Tuổi 18, bước ngoặt mang tên Đại Học. Đối với nhiều học sinh xác định được ngành học, nghề nghiệp yêu thích của mình sẽ đơn giản hơn khi chỉ cần lựa chọn 1 trường đại học phù hợp với lực học hoặc thông qua các buổi tư vấn chọn trường.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều bạn không định hướng được ngay từ ban đầu. Hoặc không quan trọng học ngành nghề gì, chỉ cần đỗ ĐH để tự hào hay “chọn đại” 1 ngành nào đó.
- “Anh chị mình học ngành này, thôi thì mình cũng học ngành này vậy, học thử không hợp thì thôi thi lại ngành khác”
- “Hình như học Đại học rẻ hơn cả đi học thêm lớp 12, học thử không hợp thì thôi thi lại ngành khác”
- “Ui, giờ tỉ lệ sinh viên ra trường đi làm trái ngành trái nghề nhiều như cơm bữa, thôi kệ, cứ chọn ngành X đi, ra trường dòng đời đưa đẩy làm gì thì làm, xong đi học thêm ngành khác cũng chưa muộn”
“……………….”
Vô vàn những lời nói mà chúng ta đã từng gặp như vậy.
Hậu quả của chọn sai ngành
Đã từng trải qua quãng thời gian lớp 12; rất hiểu tâm trạng của các em lúc này: Vừa phải chạy đông chạy tây đi học thêm hết chỗ này đến chỗ khác; vừa nháo nhào lật tung Google để tìm cho mình ngành học phù hợp mà tìm mãi chẳng ra, cái gì cũng chung chung, mơ hồ như tiền đồ chị Dậu. Nhiều lúc bất lực quá, đành “chọn đại” 1 ngành nào đó vì “thua keo này ta bày keo khác – Không hợp ngành này thì ta bày ngành khác”.
Các em ơi, “Để mai tính” là nét tâm lí chung của người mình trước 1 sự việc nào đó, thế nhưng riêng việc chọn ngành học cho tương lai thì không thể “hôm nay chọn bừa, mai này tính sau được” các em à. Có rất nhiều hậu quả sau này từ tâm lý chủ quan, suy nghĩ chưa thấu đáo của các em ở thời điểm hiện tại. Bài viết sau đây nhẹ nhẹ nhàng tình cảm để nhắc nhở các em chọn ngành cho cẩn thận, đừng nhắm mắt nhắm mũi để rồi hối hận nghe chưa!
Mục lục bài viết
- Học đại học không tốn kém
- Học không hợp thì chọn thi lại ngành khác!
- Học song song 2 ngành (Văn bằng 2)
- Nhiều người trái ngành, trái nghề vẫn thành công?
- Kết luận
1. Học ĐH chẳng tốn kém mấy, cứ chọn thôi
Đây là quan điểm hoàn toàn SAI LẦM! Vì ngoài học phí trên trường, để phục vụ cho việc đi học còn là nhiều chi phí khác như: Chi phí mua giáo trình, sách vở, in ấn, quỹ lớp, xăng xe, ăn uống, ngót nghét cũng phải trên dưới 40tr cho 1 năm học, chưa kể những bạn học xa nhà sẽ có thêm tiền ở trọ….
Hơn nữa, trong các năm gần đây; các trường Đại học đang dần hướng tới việc tự chủ tài chính –> Học phí sẽ đắt hơn nhiều, những trường top ở thành phố học phí của hệ rẻ nhất cũng rơi tầm khoảng 25tr cho 1 năm học. Vậy là chi phí học 4 năm đại học sẽ khoảng 260tr! 260tr này từ đâu mà ra, từ bố mẹ chúng ta chứ ai. Nhiều bạn bảo học 1 năm không hợp sẽ bỏ thì sẽ bớt tốn kém. Nhưng một khi đã học rồi thử hỏi có mấy người có can đảm NGHỈ HỌC để theo 1 con đường khác? Cứ sẽ “cố nốt” thôi. Vì thế, hãy chọn đúng ngành nghề ngay từ đầu để không TỐN KÉM tiền bạc của bố mẹ!
2. Học không hợp thì chọn thi lại ngành khác!
Đây tiếp tục là 1 bước đi mạo hiểm. Và hầu hết đó chỉ là suy nghĩ của 1 học sinh khi chưa trải qua kỳ thi Đại Học.
Để thi lại được đừng tưởng em đã học rất kĩ năm ngoái rồi mà năm nay vẫn nhớ, thi xong là quên luôn chứ chờ đợi gì đến tận 1 năm. Thế là lại mất công mất tiền để ôn thi lại. Và thật “cay”, chắc gì khi thi lại, học sinh đã thi được đúng ngành mình mong muốn, rồi lại 1 vòng luẩn quẩn thi lại -> chọn tạm 1 ngành khác -> chán -> thi lại…. Chưa kể mỗi năm mỗi quy chế thi bất ngỡ khác đến từ Bộ giáo dục, mọi khi còn có thầy cô, bạn bè nhắc nhở, giờ 1 thân 1 mình tìm hiểu thôi.
Những khó khăn khi thi lại đại học ?
Từ 18 – 22 là độ tuổi được cho rằng học hiệu quả nhất vì từ sau 22 tuổi các em sẽ phải gặp rất nhiều áp lực: Áp lực đến từ bố mẹ khi các em phải có trách nhiệm hơn với gia đình bằng cách giúp đỡ bố mẹ 1 vài khoản chi tiêu; áp lực từ những mối quan hệ mới đòi hỏi em phải có nhiều tiền hơn, không thể ngửa tay xin bố mẹ được nữa, phải tự tay kiếm tiền thôi; kinh khủng nhất chính là áp lực bị bỏ lại phía sau khi bạn bè chuẩn bị đi làm rồi mà ta vẫn mòn đít ở ghế giảng đường Đại học… Do đó, việc học lại 1 ngành mới ở độ tuổi sau 22 thực sự sẽ rất khó khăn bởi em phải bận tâm tới quá nhiều việc khác ngoài việc học!
Vì thế, hãy chọn đúng ngành ngay từ đầu để không TỐN KÉM sức lực của bản thân em nhé!
3. Học song song 2 ngành (Văn bằng 2)
Có nhiều học sinh luôn nghĩ rằng sẽ học song song 2 ngành, để khi tốt nghiệp thì có 2 bằng, 2 nghề trong tay. Dễ hơn khi xoay việc sau này. Nhưng ít ai hiểu, hay khi đã đi học ĐH mới biết: Việc học ĐH xoay theo tín chỉ, rất khó để xoay sở khi học 2 ngành cùng một lúc và học đủ các môn đáp ứng vì lịch học luôn dễ bị trùng nhau. Việc phải cúp môn học này để đi học môn kia, trùng lịch thi, lịch học là điều không tránh khỏi. Đó là chưa kể học phí để có thể học thêm 1 ngành cũng như những áp lực xoay quanh. Có khi không được 2 ngành mà lại ảnh hưởng đến nhau cũng như làm cho thời gian tốt nghiệp bị kéo dài ra.
4. Nhiều người trái ngành, trái nghề vẫn thành công?
Đơn giản 1 chút, 1 cô bán rau bị cử đi bán cá, liệu cô bán rau có phân biệt được các loại cá? Có kĩ năng đánh vẩy, làm cá hay không? Tất nhiên là vẫn có thể 1 chút, nhưng sao mà chuyên nghiệp được bằng cô bán cá đúng không? Việc làm trái ngành cũng vậy thôi, tuy em có thể là 1 nhân viên bán hàng giỏi, nhưng để thăng tiến chức cao hơn là rất khó vì em ko có kĩ năng, kiến thức chuyên môn để được bổ nhiệm những chức cao hơn… Chúng ta chẳng ai muốn mãi là “những điều nhỏ bé bình dị” phải không nào?
Kết luận
Hãy chọn đúng ngành ngay từ đầu để LÀM CHỦ ĐƯỢC TƯƠNG LAI CỦA MÌNH. Thứ tự ưu tiên vẫn là chọn ngành rồi mới đến chọn trường. Hiện nay, và tương lai sẽ có rất nhiều trường ĐH xét tuyển bằng hình thức học bạ, đó cũng là cách để học sinh có thể tiếp cận gần hơn với ngành học yêu thích. Thay vì suy nghĩ “chọn đại” như trước đây; sau khi đọc xong bài viết này, hi vọng các em sẽ thay đổi suy nghĩ một cách thận trọng, nghiêm túc với lựa chọn trước mắt: Chọn ngành học vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai, nghề nghiệp sau này của bạn
Nguồn bài viết: Tác giá – Cô Bùi Trà My (Ms SAM)