Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn 2016 sở GD Quảng Nam

Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn 2016 sở GD Quảng Nam ra đề tổ chức vào 2 ngày 19 và 20/4 cho học sinh đang học lớp 12 toàn tỉnh. Website đề thi thử chấm net đăng tải kèm theo đáp án hướng dẫn chấm bài chi tiết

Phần đọc hiểu

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi

Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi, cũng là nhờ cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là cái gì. […] Còn những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời không quan hệ gì đến mình cả. Như thế gọi là sống thừa, còn mong có ngày vùng vẫy trong trường cạnh tranh này thế nào được nữa. […] (Đọc tiếp tại đề bên dưới) Vậy học trò ngày nay phải biết xông pha, phải biết nhẫn nhục; mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì đã kêu chóng mặt,… ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi.

(Trích Mạo hiểm – Nguyễn Bá Học, Quốc văn trích diễm, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2005)

Câu 1: Ghi lại câu văn khái quát chủ đề đoạn 1

Câu 2. Vì sao tác gỉa lại cho rằng “Còn những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời không quan hệ gì đến mình cả.” thì ” Như thế gọi là sống thừa, còn mong có ngày vùng vẫy trong trường cạnh tranh này thế nào được nữa” (0.5 điểm)

Câu 3 Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn 3

Câu 4. Anh /Chị hãy nêu ý nghĩa của đoạn trích trên (Viết dưới đoạn văn từ 3 đến 4 câu)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 5 đến câu 8:

Anh hái cành phù dung trắng

Cho em niềm vui cầm tay

Màu hoa như màu ánh nắng

Buổi chiều chợt tím không hay

Nhìn hoa bâng khuâng anh nói

Mới thôi mà đã một ngày.

…. Rồi sẽ đến một ngày trắng tóc

Nhưng lòng anh vẫn không nguôi

Thời gian sao mà xuẩn ngốc

Mới thôi đã một đời người.

(Trích Dù năm dù tháng – Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Câu 5: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.

Câu 6: Xác định các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong khổ thơ đầu của đoạn thơ

Câu 7: Nêu nội dung chính cảu đoạn thơ trên.(Viết dưới đoạn văn từ 3 đến 4 câu)

Câu 8: “Mới thôi đã một đời người.” Anh chị hiểu câu thơ này như thế nào?

 

PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm) Suy nghĩ của anh chị về” Sống là chuyển động và hành động”

Câu 2 (4.0 điểm) Phân tích nhân vật người Vợ Nhặt trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân và nhân vật Mị trong truyện “Vợ chồng A phủ” của Tô Hoài để chứng minh rằng: Trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào, chỉ cần có cơ hội, con người đều hướng về những điều tốt đẹp chứ không buông thả hoặc chấp nhận hoàn cảnh.

 

Đáp án đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn 2016 sở GD Quảng Nam

 

Đáp án đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn 2016 sở GD Quảng Nam

Đáp án đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn 2016 sở GD Quảng Nam

Phần Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1. Câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn (1): Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.
– Điểm 0,5: Ghi đúng câu trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 2. Vì theo tác giả, đó là thái độ sống tiêu cực, ích kỉ, chỉ mưu cầu hạnh phúc cá nhân và bàng quan với việc nước, việc đời…
(Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.)
– Điểm 0,5: Trả lời đúng ý tưởng trên
– Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 3. Biện pháp tu từ chủ yếu: điệp từ (điệp ngữ)
– Điểm 0,5: Trả lời đúng kiến thức trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 4. Ý nghĩa của đoạn trích trên (viết dưới dạng một đoạn văn từ 3 đến 4 câu).
Đoạn văn có nội dung: Lời khuyên những người học trò hãy sống cho đáng sống, dám hành động, biết xông pha, phải có chí tiến thủ, không ngại gian khó…
– Điểm 0,25: Trả lời theo hướng trên.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 5. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: phương thức biểu cảm/biểu cảm.
– Điểm 0,25: Trả lời theo 1 trong 2 cách trên
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 6. Các biện pháp tu từ: So sánh và ẩn dụ.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng 2 biện pháp tu từ trên.
– Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 biện pháp tu từ.
– Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời
Câu 7. Nội dung chính của đoạn thơ: Thể hiện niềm nuối tiếc, bâng khuâng trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian – cũng chính là của đời người. Qua đó, thể hiện quan niệm nhân sinh của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Ý thức tồn sinh mãnh liệt, biết mộng mơ về những điều vĩnh hằng tốt đẹp của cuộc đời dẫu cho ám ảnh phù du luôn thường trực…
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
– Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ 2 ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
– Điểm 0,25: Trả lời được 1 trong 2 ý trên; hoặc trả lời đúng hướng nhưng chưa thật rõ ý.
– Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
Câu 8. Thể hiện niềm nuối tiếc, bâng khuâng trước sự trôi qua nhanh chóng của thời gian – cũng chính là của đời người.
(Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.)
– Điểm 0,25: Trả lời theo hướng trên.
– Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
Phần Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sống là một quá trình con người chuyển động, thay đổi về mọi mặt như tư duy, nhận thức, thái độ,… để hành động làm thay đổi chính bản thân theo hướng tích cực nhất.
– Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
– Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
* Giải thích ý kiến để thấy được:
– Sống là gì?
– Sống là chuyển động nghĩa là như thế nào?
– Sống là hành động nghĩa là như thế nào?
* Chứng minh tính đúng đắn của quan niệm bằng việc bày tỏ sự đồng tình. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục:
– Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến:
+ Con người trong cuộc sống luôn luôn phải có sự chuyển động, thay đổi về mọi mặt: tư duy, nhận thức, hành động, kỹ năng ứng xử … để làm thay đổi chính bản thân.
+ Hành động là hệ quả tất yếu của chuyển động để tác động tích cực vào cuộc sống.
* Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh về vấn đề sống là chuyển động và hành động:
– Bàn luận mở rộng vấn đề:
+ Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, nhịp độ phát triển khẩn trương hơn đòi hỏi con người phải liên tục chuyển động cho kịp với quỹ đạo cuộc sống. Sự chuyển động phải mang tính chất tích cực, lành mạnh, khác xa với lối ứng xử “gió chiều nào che chiều ấy”, a dua, xu thời. (Dẫn chứng thực tế).
+ Cuộc sống phức tạp với rất nhiều thách thức và cơ hội, đòi hỏi con người phải hành động phù hợp với tinh thần sẵn sàng nhập cuộc, nắm bắt thời cơ thực hiện những kế hoạch trước mắt, điều chỉnh những kế hoạch lâu dài, tạo dựng một tương lai bền vững, củng cố niềm tin lạc quan vào cuộc đời. (Dẫn chứng thực tế).
*Bài học nhận thức và hành động::
– Hiểu ý nghĩa, tác dụng của vấn đề đối với việc tu dưỡng, phấn đấu của con người nói chung và của thanh niên hiện nay nói riêng.
– Luôn có sự chuyển động không ngừng về mọi mặt để nâng cao nhận thức và chọn phương châm sống tích cực; hành động nhạy bén để không bỏ lỡ cơ hội.
– Ý kiến trên có thể xem là phương châm sống đúng đắn và cần thiết đối với mỗi người. Trong cuộc sống, cần kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố này.
– Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
– Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. (4,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
– Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
– Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
– Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Con người (Mị và người vợ nhặt) do sự xô đẩy từ nhiều phía của hoàn cảnh, họ có thể biến khác đi, nhưng chỉ cần cuộc đời cho họ một cơ hội, họ sẽ luôn hướng về những gì tốt đẹp chứ không buông xuôi hay trượt dài theo số phận…
– Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
– Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
– Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):
– Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
– Kim Lân là nhà văn am hiểu về nông thôn, có nhiều trang viết chân thực và xúc động về cảnh và người nông thôn. Truyện ngắn Vợ nhặt xây dựng trên bối cảnh nạn đói năm 1945. Truyện ngắn Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng truyện còn dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết lại. Truyện được in trong tập Con chó xấu xí.
– Tô Hoài là nhà văn có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán nhiều vùng khác nhau của đất nước. Tác phẩm Vợ chồng A Phủ (1953) là kết quả của chuyến Tô Hoài đi cùng bộ đội giải phóng Tây Bắc, in trong tập Truyện Tây Bắc.
+ Phân tích:
*Giải thích vấn đề:
Trong mỗi con người đều tiềm ẩn khuynh hướng vươn đến những gì mang tính chất hướng thiện, phục thiện và những gì tốt đẹp. Chỉ cần có điều kiện, cơ hội là quá trình vươn tới những gì tốt đẹp sẽ được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể.
* Nhân vật người vợ nhặt và quá trình vươn đến những điều tốt đẹp khi có cơ hội:
– Cảnh ngộ cụ thể: Sống trong cảnh khốc liệt của mùa đói, xơ xác hình hài, trở nên cong cớn, sưng sỉa, chao chát, chỏng lỏn …
– Cơ hội: Hai lần gặp Tràng:+ Lần gặp thứ nhất: về bản chất, chỉ là đáp ứng nhu cầu của dạ dày nhưng đã thấp thoáng những hy vọng mong manh…
+ Lần gặp thứ hai: cái đói bào mòn hình hài, nói năng chua chát, ăn uống thô tục và chộp ngay cơ hội để được ăn và theo không người ta để được sống. Về bản thể, hy vọng “cộng sinh” đã thành hình trong suy nghĩ thẳm sâu của người đàn bà đói…
-Hướng đến những điều tốt đẹp…:
+ Trước hết, đó là niềm khát khao được sống, được tồn tại: Khát khao này chìm sau nỗi lo toan, chao chát, chỏng lỏn, liều lĩnh để có được miếng ăn nhằm tốn tại qua nạn đói. Điều này biểu hiện đậm nét hơn trong bữa cơm đầu trong tư cách nàng dâu khi điềm nhiên và cháo cám vào miệng như một dấn thân, tuyên chiến với đói nghèo.
+ Sau đó, là khát khao hạnh phúc:
++ Điều này cũng ẩn sâu dưới tâm hồn của một con người không muốn người khác đọc được nội tâm của mình, ẩn thoáng đằng sau việc người vợ nhặt đón nhận những câu nói đùa của nhân vật Tràng và cả trong vẻ ngại ngùng, xấu hổ, bẽ bàng khi theo Tràng về.
++ Khát khao hạnh phúc bộc lộ rõ ở nhân vật qua thái độ, hành xử trong buổi sáng đầu tiên ở nhà chồng (trở nên hiền hậu, đúng mực, có ý thức chăm lo, vun xới tổ ấm: cùng mẹ chồng quét dọn nhà cửa, vườn tược, phơi áo quần…).
* Nhân vật Mị và quá trình vươn đến những điều tốt đẹp khi có cơ hội:
-Cảnh ngộ cụ thể: Thân phận con dâu gạt nợ nhưng thực chất là số kiếp nô lệ, tôi đòi.
– Cơ hội: Biểu hiện tinh tế qua sự thức tỉnh, hồi sinh trong tâm hồn (tri giác được không khí rạo rực khi xuân về, âm thanh quyến dụ của tiếng sáo gọi bạn tình, men rượu ngày tết, giọt nước mắt của A Phủ, cảnh ngộ đồng bệnh tương liên…).
– Hướng đến những điều tốt đẹp…:
+ Niềm khát được giải thoát kiếp nô lệ: Khát khao này của nhân vật cũng không phải dễ dàng nhận ra vì nó bị chìm sâu sau cảnh ngộ nhân vật bị hành hạ, đọa đày đến mức có lúc tưởng chừng muốn buông xuôi tất cả để quy phục hoàn cảnh.
+ Niềm khát khao hạnh phúc:
++ Khát khao được đánh thức ẩn thoáng đằng sau việc Mị đón nhận và nhận ra không khí rạo rực của mùa xuân, sự lên hương của men rượu ngày Tết và sự quyến dụ của thanh âm tiếng sáo gọi bạn tình.
++ Khát khao hạnh phúc bộc lộ rõ ở nhân vật trong đêm tình mùa xuân qua một loạt diễn biến tâm trạng lẫn hành động khác thường (thấy phơi phới trở lại, lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước, nhận ra mình còn trẻ, còn muốn đi chơi ngày Tết, muốn chết vì nhận ra hoàn cảnh đau khổ, rơi vào tâm trạng lẫn lộn giữa qúa khứ và hiện tại, xắn miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng, quấn lại tóc, lấy cái váy hoa để đi chơi Tết, bị trói vào cột vẫn “như không biết mình đang bị trói”, vẫn thả hồn theo tiếng sáo, có ý thức “vùng bước đi”…).
++ Hành động đi theo A Phủ ẩn chứa mong ước hạnh phúc (sau này trở thành hiện thực ở Phiềng Sa) chứ không chỉ dừng lại là sự chạy trốn khỏi Hồng Ngài tủi nhục.
– Đánh giá:
+ Quá trình hướng tới điều tốt đẹp ở cả hai nhân vật (trong hai cảnh ngộ khác nhau) đều được kể và miêu tả cụ thể, chân thành, ấn tượng.
+ Kể và miêu tả điều đó, cả hai nhà văn đều thể hiện được tài nắm bắt tâm lí sắc sảo và cái nhìn đầy tích cực về con người.
+ Đằng sau cảnh ngộ của các nhân vật là tấm lòng của nhà văn dành cho người cùng khổ.
(Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.)
– Điểm 1,5 – 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
– Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,5 – 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
– Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
– Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
– Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
– Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
– Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

4.2/5 - (11 bình chọn)
    1. bún 7 Tháng Sáu, 2016

    Add Your Comment