Đề thi thử Ngữ Văn năm 2018 THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc lần 3

SỞ GD &ĐT VĨNH PHÚC, TRƯỜNG THPT YÊN LẠC. Đề thi KSCL THPT Quốc Gia môn Ngữ Văn lần 3 lớp 12 năm học 2017-2018 có đáp án, hướng dẫn.Thời gian làm bài 120 phút, khá dài nhưng rất hay. Các bạn có thể tải về luyện tập, cách luyện đề tốt nhất đối với môn Văn là vạch ra các ý để phân tích, từ đó nắm vững hơn nội dung của các tác phẩm, đoạn văn nghị luận.

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Một bà lão chống gậy qua đường giữa dòng xe cộ tấp nập. Một học trò phía bên kia đường nhìn thấy, nhận ra sự nguy hiểm đối với bà lão liền vội chạy tới: “Bà ơi, bà đưa tay cháu dắt bà qua”. Bà lão móm mém nở một nụ cười thân thiện: “Cảm ơn cháu! Cháu thật ngoan!…

Một người ăn xin khốn khổ, đói rách, vận bộ quần áo nhem nhuốc, chân tay run lên vì cơn đói hành hạ. Người hành khất bước chân vào một quán cà phê, ngả nón xin tiền, mong được bố thí vài ngàn bạc lẻ để mua một chiếc bánh mì. Khách uống cà phê vẫn thản nhiên rít thuốc, ánh mắt lạnh lùng vô cảm. Ông lão hành khất đến bên người bán vé số đang giao vé cho khách, và lại chìa nón ra. Người bán vé số vùi tay vào túi quần, lôi ra mấy tờ bạc nhàu nát bị
vo tròn, lấy ra một tờ, vuốt phẳng và bỏ vào cái nón của ông lão. Ông già cảm động run run, không nói lời ơn mà cúi đầu xuống, ánh mắt lộ ra một sự biết ơn vô cùng. Thì ra, ông già ấy bị câm.

Trong cuộc sống có biết bao nhiêu sự cảm ơn có lời và không lời như thế. Với những người có văn hóa, “cảm ơn” là lời nói được sử dụng hàng ngày, những lời luôn được cất lên bằng cả thái độ lịch sự và tình cảm chân thực nhất. Nhưng tiếc rằng, vẫn còn không ít thanh niên chưa nghĩ như vậy. Họ coi cảm ơn chỉ là những lời khách sáo, vì thế, chẳng cần phải nói ra. Hình như các bạn ấy vẫn nghĩ một cách giản đơn rằng nói lời cảm ơn hay làm các cử chỉ
biểu lộ sự biết ơn là “vô duyên”, chỉ làm mất đi sự thân tình và tăng thêm xa cách mà thôi.

Thế nhưng, cuộc sống hiện đại và yêu cầu về quy tắc giao tiếp giữa người với người đòi hỏi chúng ta phải tập làm quen với lời “làm ơn” và sau đó là “cảm ơn”. Thật hạnh phúc khi ta làm được một việc có ý nghĩa, một điều tốt đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác, kéo mọi người lại gần nhau hơn. Và cũng sẽ hạnh phúc không kém khi chúng ta thấy mình đã không dửng dưng, bạc bẽo vì đã biết tri ân người giúp đỡ mình bằng những lời nói xuất phát tự đáy lòng, chân thành, lịch thiệp: “Cảm ơn!”
(Theo bài viết tham gia diễn đàn Đem mọi người đến gần nhau hơn, báo điện tử Thanhnienonline, ngày 11 – 11 -2016)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng ở đoạn trích trên. Thử đặt một tiêu đề cho đoạn trích để khái quát đúng nội dung cơ bản của nó. (0,5 điểm)
Câu 2. Nhận xét về bố cục của đoạn trích. Việc đưa hai dẫn chứng trước như thế có hiệu quả gì đối với phần sau, đối với vấn đề bàn luận? (1,0 điểm)
Câu 3. Theo tác giả đoạn trích, vì sao trong cuộc sống cần luôn biết nói “làm ơn”, cảm ơn”? Những lời nói ấy cần xuất phát từ đâu? (1.0 điểm)

Câu 4. Ý kiến của anh/chị về mấy câu phê phán “không ít thanh niên” ở đoạn trích trên?
(0,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 5. (2,0 điểm)
Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc – hiểu: “Thật hạnh phúc khi ta làm được một việc có ý nghĩa, một điều tốt đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác, kéo mọi người lại gần nhau hơn. Và cũng sẽ hạnh phúc không kém khi chúng ta thấy mình đã không dửng dưng, bạc bẽo vì đã biết tri ân người giúp đỡ mình bằng những lời nói xuất phát tự đáy lòng, chân thành, lịch thiệp: “Cảm ơn!”

Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn trích sau:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử, SGK Ngữ văn 11, tập 2, NXB GD, 2007)
“Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc, phía đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông
Đa-nuýp của Bu-đa-pét; sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình; Huế  trong tổng thể vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ, trải dọc hai bờ sông. Đầu và cuối ngõ thành phố, những nhánh sông đào mang nước sông Hương tỏa đi khắp phố thị, với những cây đa, cây cừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được. Những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông đã
làm giảm hẳn lưu tốc của dòng nước, khiến cho sông Hương khi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh…”

(Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2007) 

————————-HẾT————————


Đáp án hướng dẫn làm đề thi môn Văn THPT Yên Lạc 2018




Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm các môn thi khác của trường cùng trong đợt thi.

Đề thi thử tiếng Anh 2018 THPT Yên Lạc 2, Vĩnh Phúc lần 3

2.8/5 - (5 bình chọn)
LINK TẢI VỀ MÁY
Download
  • Add Your Comment