Đề thi thử môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1

Đề thi thử môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1 có đáp án hướng dẫn giải. Đề thi thử gồm 6 câu thuộc 2 phần đọc hiểu và làm văn.Kỳ thi thử THPT Quốc Gia 2017 của trường THPT Hà Huy Tập khảo sát kiến thức và giúp học sinh quen dần với cấu trúc đề thi THPT Quốc Gia môn Văn

Quý thầy cô và các bạn học sinh quan tâm vui lòng tải file PDF đầy đủ ở cuối bài viết. Mọi đề thi thử trên website dethithu1.net đều có file PDF đi kèm ở cuối mỗi bài đăng.

Đề thi thử THPT Quốc Gia 2017 môn Văn THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1

          SỞ GD&ĐT NGHỆ AN

TRƯỜNG THPT HÀ HUY TẬP

  ĐỀ  THI  THỬ THPTQG LẦN 1 NĂM HỌC 2016-2017

                 Môn thi: NGỮ VĂN (Đề thi có 02 trang)

Thời gian làm bài:120  phút, không kể thời gian phát đề

  1. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Trang Tử nói: “Gà rừng đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong lồng”. Chúng ta có giống được những con gà rừng không ? Nếu chúng ta vì ưa thích thóc gạo bày sẵn mà chịu chui vào chiếc lồng. Rồi từ sau những song tre đó, chúng ta đòi trả tự do?

Từ xúc cơm, xếp quần áo, sách vở, đến chọn trường, chọn nghề, tìm việc, kiếm sống, chọn chồng chọn vợ, chọn tương lai… Chúng ta sẽ quá quen với việc được sắp sẵn. Chúng ta ưa làm việc đã được người khác lên kế hoạch hơn là tự mình vạch ra. Chúng ta chuộng thói quen hơn sáng tạo. Chúng ta chỉ vui khi có người tâng bốc, chỉ hết buồn nếu có người an ủi vuốt ve. Chúng ta thậm chí không muốn tự phân biệt sai đúng trừ khi có người làm thay. Chúng ta không thể làm chủ đời mình. Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa. Thậm chí, một con chim trong rất nhiều lớp lồng.

  […] Robert Fulghum từng trở thành tác giả best seller với một cuốn sách có tựa đề thú vị “Tất cả những gì cần phải biết tôi đều được học ở nhà trẻ”. Đó là những nguyên tắc sống: chia sẻ, chơi công bằng, không đánh bạn, để đồ đạc vào chỗ cũ, không lấy những gì không phải của mình, dọn dẹp những gì bạn bày ra, nói xin lỗi khi làm tổn thương ai đó, rửa tay trước khi ăn, học một ít, suy nghĩ một ít, vẽ và hát và nhảy múa và chơi và làm việc một ít mỗi ngày, ngủ trưa, có ý thức về những điều kỳ diệu, cây cối và các con vật đều chết – và chúng ta cũng vậy, từ đầu tiên và quan trọng nhất cần phải học: quan sát.

Hãy đếm xem: 100 chữ. Những gì cần phải học chỉ như vậy. Chúng ta được học ở nhà trẻ nhưng đã đánh rơi dần trong quá trình lớn lên. Cũng như khi sinh ra, ta đã có sẵn bản năng độc lập nhưng lại đánh mất nó trong quá trình sống. Không có bản năng độc lập, chúng ta không thể nắm giữ được tự do. Nghĩa là trước khi đòi tự do, bạn phải tìm lại bản năng độc lập của mình.

(Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, Nxb Hội nhà văn, 2012, tr 135)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Vấn đề chính được tác giả nêu trong đoạn trích là gì ?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Gà rừng đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong lồng”.

Câu 4. Trong tất cả các nguyên tắc sống được học ở nhà trẻ, anh/chị thấy nguyên tắc nào có giá trị với mình nhất? Vì sao?

2.       LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

“Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa.”

Trong tư cách của người thanh niên tuổi 18, anh/chị có đồng tình với nhận định về giới trẻ như trên? Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?

(Ngữ văn 12, Tập 1, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016)

Xem đáp án: Đáp án đề thi thử môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1

          SỞ GD& ĐT NGHỆ AN

TRƯỜNG THPT HÀ HUY TẬP

KÌ THI  THỬ THPTQG LẦN 1 NĂM HỌC 2016-2017

  HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

                      (Đề thi có 03 trang)

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm) Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên: phương thức nghị luận.

Câu 2. (0,75 điểm)  Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải nêu được ngắn gọn vấn đề chính trong đoạn trích là: chúng ta đang dần đánh mất bản năng độc lập, chủ động, tự do.

Câu 3. (0,75 điểm)  Thí sinh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng đảm bảo nội dung: Con người phải rất vất vất vả để sinh tồn, nhưng đó là sự sinh tồn trong tự do. Đó là một cuộc sống đáng sống hơn sống trong an nhàn đầy đủ nhưng thụ động, mất tự do.

Câu 4. (1,0 điểm) Thí sinh nêu được ít nhất một nguyên tắc sống có giá trị với bản thân (như tự lập, hoà đồng, chia sẻ, yêu thương…) và giải thích lí do vì sao. Có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhưng về cơ bản, thí sinh trả lời được tác động tích cực của nguyên tắc sống đó.

LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng: HS biết viết đoạn nghị luận xã hội, có dung lượng khoảng 200 chữ, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc

b. Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật, đảm bảo các nội dung chính sau:

* Giải thích ý kiến:

Bản năng của gà rừng: bản năng sống độc lập; con chim trong lồng: cuộc sống thụ động, không làm chủ cuộc đời mình.

– Câu nói nhận định thực trạng con người đang đánh mất bản năng sống độc lập, rơi vào cuộc sống thụ động, lệ thuộc, không làm chủ cuộc đời mình.

* Bàn luận:

Từ điểm nhìn của người trẻ tuổi nói về thế hệ mình, thí sinh có thể bàn luận theo nhiều hướng khác nhau:

– Đồng tình với ý kiến: giới trẻ ngày nay thiếu khả năng tự lập:

+ Được bố mẹ bao bọc, thiếu kĩ năng sống.

+ Không có ý thức về giá trị của bản thân trong việc chọn nghề, trong suy nghĩ và hành động trước các vấn đề của cuộc sống…

+ Hành động theo tâm lí đám đông.

– Không đồng tình với ý kiến: giới trẻ ngày nay có khả năng tự lập cao, có kĩ năng sống, có trách nhiệm với bản thân và các xã hội: các tấm gương vượt khó, các tình nguyện viên, các tấm gương khởi nghiệp…

  • Cái nhìn đa chiều về ý kiến: kết hợp cả hai ý trên trong lập luận

* Bài học và liên hệ bản thân:

– Nhận định trên hướng cho chúng ta có thái độ và hành động đúng đắn trong cuộc sống: sống là không thụ động, phụ thuộc mà phải chủ động, tích cực.

– Luôn tin tưởng vào bản thân, tích cực, dám nghĩ, dám làm.

– Trang bị kiến thức, kĩ năng cho bản thân để có khả năng tự lập; ngay từ bây giờ tránh lối sống thụ động, ỷ lại vào người khác.

Thang điểm:

Điểm 2: Đạt các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức nêu trên, có ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, văn viết lưu loát.

Điểm 1. – Đáp ứng cơ bản các yêu cầu của đề, còn mắc lỗi diễn đạt

– Đạt các yêu cầu về kiến thức, văn viết lưu loát, chưa đảm bảo yêu cầu hình thức (đoạn văn)

Điểm 0,5: không hiểu rõ đề, bài quá sơ sài

Câu 2 (5,0 điểm)

a. Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng để viết một bài văn nghị luận văn học.

– Bài viết có bố cục rõ ràng, chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, ngôn ngữ trong sáng, có cảm xúc.

– Vận dụng tốt các thao tác lập luận.

b. Yêu cầu về kiến thức

Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?, thí sinh có thể trình bày những biểu hiện  cái tôi của nhà văn theo những cách khác nhau  nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Sau đây là một số ý cần đạt:

  1. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm
  2. Cái tôi là gì?

Cái tôi là nét riêng, điểm khác biệt của mỗi cá nhân (Ở phương diện khác, cái tôi là biểu hiện cao độ của ý thức cá nhân, xuất hiện khi con người có nhu cầu được là chính mình). Với văn học, cái tôi không chỉ thể hiện con người mà còn thể hiện phong cách nghệ thuật của mỗi nhà văn.

– Trong thể loại tuỳ bút, bút kí, cái tôi của người viết trở thành một hình tượng trung tâm và xuất hiện trực tiếp thành nhân vật tôi. Nếu trong truyện ngắn,  nhân vật tôi là hình tượng hư cấu thì trong kí, nhân vật tôi đồng nhất với tác giả. Sự hấp dẫn của thể loại này, xét đến cùng là là sự hấp dẫn của cái tôi tác giả.

  1. Đặc điểm của cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông?

* Một cái tôi uyên bác

– Thể hiện ở vốn tri thức, vốn sống phong phú. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vận dụng vốn hiểu biết từ nhiều phương diện khác nhau như địa lí, lịch sử, văn hoá (thơ ca, âm nhạc, phong tục tập quán…) để cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông Hương.

– Thể hiện ở vốn tri thức, vốn sống sâu sắc. Chẳng hạn, khám phá phương diện địa lí của dòng sông xứ Huế, tác giả đã tìm hiểu tận thượng nguồn của nó trong mối quan hệ với dãy Trường Sơn; khám phá vẻ đẹp lịch sử của con sông, tác giả đã tìm hiểu nó từ thời Hùng Vương, thời Nguyễn Trãi, thời Quang Trung đến thời hiện đại.

*Một cái tôi tài hoa, tinh tế, lãng mạn

– Thể hiện ở cái nhìn mang tính phát hiện về một dòng sông vốn đã quen thuộc với tất cả mọi người. Do tìm hiểu sông Hương từ cội nguồn của nó giữa lòng Trường Sơn, do gắn sông Hương với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện ra vẻ đẹp hùng tráng của dòng sông vốn chỉ được biết là dòng sông thơ mộng.

– Thể hiện ở khả năng quan sát tinh tường, sức tưởng tượng và liên tưởng phong phú.

+ Sông Hương được nhìn nhận bằng cặp mắt của nghệ sĩ giàu cảm xúc nên hiện lên với vẻ đẹp phong phú: khi mãnh liệt và sâu lắng, khi phóng khoáng man dại mà bình thản, khi trầm mặc cổ kính, khi chỉ là mặt hồ yên tĩnh…

+ Sông Hương được hình dung như người con gái, người phụ nữ với nhiều dáng vẻ, cung bậc cảm xúc khác nhau.

– Thể hiện  ở tài năng nghệ thuật của nhà văn khi miêu tả vẻ đẹp của sông Hương.

+ Liên tưởng phóng túng, tài hoa (qua sử dụng các biện pháp tu từ).

+ Vốn ngôn ngữ phong phú.

+ Câu văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường giàu nhạc điệu, giàu chất thơ.

* Một cái tôi có tình yêu sông Hương, yêu xứ Huế tha thiết, gắn bó sâu nặng với quê hương đất nước.

– Tác giả miêu tả vẻ đẹp sông Hương bằng một tình yêu say đắm, miêu tả sông Hương bằng nhiều phương diện, nhiều góc độ, hiểu nỗi niềm dòng sông trong dòng chảy, khúc cua của nó; đề xuất cho người đọc cách cảm nhận về sông Hương. Hoàng Phủ Ngọc Tường trở thành tri kỉ của sông Hương.

– Từ tình yêu sông Hương, tác giả thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người, văn hoá Huế tha thiết.

– Trách nhiệm của một công dân với đất nước khiến Hoàng Phủ Ngọc Tường lật từng trang sử, giở từng trang địa lí, tìm hiểu từng phong tục để viết về sông Hương, từ đó bài kí giúp người đọc hiểu và yêu sông Hương hơn.

  1. Đánh giá

Cái tôi của nhà văn trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? có thể đồng nhất với con người Hoàng Phủ Ngọc Tường: uyên bác, tài hoa và tình yêu sâu nặng với quê hương đất nước

– Qua cái tôi của nhà văn ta hiểu rõ hơn nét riêng trong phong cách nghệ thuật Hoàng Phủ Ngọc Tường: lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

Thang điểm

Điểm 5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Bố cục rõ ràng, diễn đạt logic, lập luận chặt chẽ. Bài viết có cảm xúc và sáng tạo. Bài làm có thể còn mắc một vài sai sót nhỏ không đáng kể về chính tả, dùng từ.

Điểm 4. Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên. Bố cục rõ ràng, lập luận hợp lí. Bài làm còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.

Điểm 3. Tỏ ra hiểu đề, bố cục rõ ràng nhưng bài làm phân tích chưa sâu, mắc một số lỗi về diễn đạt.

Điểm 2-1: Hiểu chưa đúng trọng tâm của đề, mắc nhiều lỗi về diễn đạt.

Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp/ bỏ giấy trắng.

(Giám khảo dựa vào những tiêu chuẩn trên để đề ra các mức điểm khác, linh hoạt trong chấm và cho điểm)

Đề thi thử môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1
Đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1

Đáp án hướng dẫn giải đề thi thử môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1

Đáp án đề thi thử môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1
Hướng dẫn giải đề thi thử môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1
Đáp án đề thi thử THPT QG môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1
Đáp án đề thi thử THPT Quốc Gia môn Văn 2017 THPT Hà Huy Tập, Nghệ An lần 1

 

Bạn có thể tham khảo thêm các Đề Thi Thử THPT Quốc Gia 2017 môn VĂN hay và chuẩn cấu trúc năm 2017 khác tại chuyên mục ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC MÔN VĂN (THPT QUỐC GIA MÔN VĂN)

Đề thi thử 2017 môn Văn THPT Phan Chu Trinh, Phú Yên

Đề thi minh họa môn Văn 2017 lần 2 của Bộ GD có hướng dẫn giải

Đề thi thử THPT Quốc Gia 2017 môn Văn số 1 có hướng dẫn giải

Đề minh họa môn Văn THPT Quốc Gia 2017 Bộ GD & ĐT

Đề thi thử môn Văn 2017 THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc lần 1

Đề thi thử Văn 2017 THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh lần 1

3/5 - (2 bình chọn)
LINK TẢI VỀ MÁY
Download
Nếu link tải phía trên bị lỗi, các bạn có thể tải về bằng link dự phòng : Link Google | Dropbox Server
  • Add Your Comment