Đề thi thử THPT quốc gia năm 2015 môn Văn của cô Phạm Thị Thu Phương
ĐỀ THI THỬ THPT QG 2015 MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 180 phút
I. Phần đọc hiểu: (3 điểm)
“Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào…”
(Dặn con – Trần Nhuận Minh,
Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1993)
Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:
a. Người cha đã nhắc nhở con điều gì trong đoạn thơ? (1.0 điểm)
b. Thái độ của người cha được thể hiện ra sao qua hai cụm từ: không được và không bao giờ được?(0.5 điểm)
c. Hãy lí giải tại sao người cha lại dặn dò con: không bao giờ được hỏi/ Quê hương họ ở nơi nào. (1.0 điểm)
d. Anh/chị nhận ra được bài học cuộc sống nào từ lời dặn con này? (0.5 điểm)
II. Làm văn: (7 điểm)
Câu 1: Nghị luận xã hội (3 điểm)
Đọc bài viết sau:
Cái nhiệt kế và máy điều hòa nhiệt độ
Bạn có biết sự khác biệt giữa cái nhiệt kế và máy điều hòa nhiệt độ không?
Cái nhiệt kế đơn thuần chỉ cho chúng ta biết nhiệt độ của từng vùng riêng biệt. Ví dụ như cái nhiệt kế của bạn đang chỉ 35 độ C và bạn đem nó vào trong phòng máy lạnh có nhiệt độ là 28 độ C thì nó sẽ thay đổi chỉ số của mình để phù hợp với nhiệt độ của phòng là 28 độ C. Cái nhiệt kế luôn điều chỉnh để hòa hợp với nhiệt độ của môi trường xung quanh.
Cái máy điều hòa thì ngược lại, nó điều chỉnh nhiệt độ trong phòng. Nếu trong phòng đang có nhiệt độ là 28 độ C và máy điều hòa cài đặt ở 20 độ C thì chẳng bao lâu nhiệt độ trong phòng là 20 độ C, phù hợp với chỉ số của máy điều hòa.
(Bài học làm người – NXB Trẻ, 2006)
Trong cuộc sống, anh/chị sẽ là cái nhiệt kế hay là cái máy điều hòa nhiệt độ? Hãy viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân.
Câu 2: Nghị luận văn học (4 điểm)
Vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông Đà trong tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” (Nguyễn Tuân).